Khảo cứu Lịch sử Thiền Tông
Về các liên hệ giữa Huệ Năng, Thần Tú và Thần Hội
__________________________________________________
Trịnh Đình Hỷ
Tào Khê Huệ Năng, hay Đại Giám Thiền sư (638-713), thường được gọi là Lục Tổ của Thiền Tông, là một nhân vật chủ chốt trong giai đoạn đầu của lịch sử Thiền Tông Trung Hoa.
Nhưng ngài cũng được xem như là một nhân vật bán-thần thoại (semi-legendary) bởi các nhà Phật học, bởi vì người ta có rất ít tài liệu lịch sử về ngài, và chỉ có thể dựa vào các lời Tựa của Tục Cao Tăng Truyện và của Kinh Pháp Bảo Đàn, còn gọi là Lục Tổ Đàn Kinh, để suy đoán về cuộc đời và hành trạng của ngài.
Theo Kinh Pháp Bảo Đàn (đúng ra không thể gọi là Kinh, vì không phải là lời Phật dạy – nhưng phải chăng tác giả ngụ ý rằng Huệ Năng là một vị Phật sống? -), được xem như là một tự truyện kể lại bởi Huệ Năng, ngài xuất thân là một cậu bé bán củi không biết đọc, biết viết, nhưng sau khi giác ngộ nhờ nghe tụng Kinh Kim Cương, quyết tâm đi tìm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở núi Hoàng Mai để học đạo. Tuy chỉ giúp việc trong nhà bếp, nhưng đến khi Hoằng Nhẫn cho khảo thí để so mức chứng ngộ của các đệ tử, thì Huệ Năng bỗng tỏ ra vượt hẳn giáo thọ Thần Tú bằng bài kệ nổi tiếng:
“Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay chẳng một vật,
Bụi trần bám vào đâu?”
Hoằng Nhẫn lén hẹn nửa đêm giảng Kinh Kim Cương và truyền y bát cho Huệ Năng, rồi tự mình chèo thuyền đưa Huệ Năng đi lẩn trốn về phía Nam. Tại đây, Huệ Năng thành lập ngành Thiền Nam tông, chủ trương "đốn ngộ", tức là giác ngộ ngay tức khắc, một cách trực tiếp (1).
Như vậy, có thể nói là Kinh Pháp Bảo Đàn đã tạo nên một nhân vật Huệ Năng có trí tuệ đặc biệt "không cần văn tự", "đốn ngộ" bằng trực giác, vượt hơn hẳn so với phương pháp "tiệm tu" của Thần Tú, và đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đích thân truyền y bát cho làm Lục Tổ.
Đó là cả một "huyền thoại Huệ Năng", vẫn còn được lưu truyền trong giới Phật giáo Đông Á đến tận ngày hôm nay.
Nhưng huyền thoại này bị đặt lại vấn đề kể từ đầu thế kỷ 20, khi người ta bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về một số Ngữ lục của các Thiền sư trước kia bị bỏ quên (2), và khám phá ra một số văn bản cổ xưa được tàng trữ trong các hang động Mạc Cao tại Đôn Hoàng, miền Tây Trung quốc. Đó là những văn bản có niên đại từ thế kỷ thứ 8-9, chủ yếu liên quan đến Thần Hội (3), một nhân vật ít được nhắc tới, nhưng đã đóng một vai trò then chốt trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử Thiền Tông.
Theo các nghiên cứu lịch sử, thì sự việc xảy ra như sau:
Vào cuối năm 700, Sư Ngọc Tuyền Thần Tú, đệ tử lớn tuổi nhất của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lúc đó đã ngoài 90, được Võ Hậu, tức Hoàng Đế Võ Tắc Thiên nhà Đường, mời đến Kinh đô Lạc Dương để hoằng pháp (4).
Để tỏ lòng tôn kính, Võ Hậu phủ phục xuống lạy ông (là điều đặc biệt chưa từng có), và phong ông làm “Lưỡng kinh Pháp chủ, Tam đế Quốc sư” (Pháp chủ của hai kinh đô Lạc Dương, Trường An, và Quốc sư của 3 vị Hoàng đế, bà và hai con trai). Ông rất được tôn sùng, và được đa số trong triều đình, hoàng gia và quý tộc, qui y theo.
Khi ông qua đời năm 706, tang lễ được cử hành trọng thể như một quốc tang, 3 ngôi chùa được xây lên để tưởng niệm, và ông được sắc phong là “Đại Thông Thiền Sư” và sau đó nhận danh hiệu chính thức là Lục Tổ của Thiền Tông. Hai đệ tử của ông, Phổ Tịch và Nghĩa Phúc, tiếp tục được tôn kính như là Quốc sư, và được chính thức ghi nhận trong phả hệ trực tiếp của Thiền Tông trong 30 năm trời.
Nhưng vào năm 734, một vị Sư đến từ phương Nam, tên là Thần Hội, nhân một lễ hội lớn tại Hoạt Đài, thuộc tỉnh Hà Nam, lên tiếng đặt lại vấn đề về dòng phả hệ của Thần Tú và trường phái Đông Sơn của ông. Về sau, Thần Hội trụ trì tại một ngôi chùa lớn tại Hà Trạch, phía đông Lạc Dương, cho nên sau này được gọi là “Hà Trạch Đại sư” (5).
Nhân danh sư phụ ông, tức ngài Huệ Năng đã viên tịch 20 năm về trước, Hà Trạch Thần Hội khẳng định rằng sự truyền thừa bằng "y bát" (đặc biệt áo cà-sa, tượng trưng cho Giáo pháp) đã được trao từ Bồ Đề Đạt Ma, qua 4 thế hệ, cho Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, và Hoằng Nhẫn đã trao lại y bát cho Huệ Năng, chứ không phải cho Thần Tú. Do đó, danh hiệu Lục Tổ phải được dành cho Huệ Năng chứ không phải cho Thần Tú, và đệ tử của Thần Tú, là Phổ Tịch, không thể tự nhận mình là thuộc thế hệ thứ 7.
Thần Hội còn cho rằng lời dạy của Thần Tú và Phổ Tịch, thuộc ngành phía Bắc (gọi là Bắc Tông), về "tiệm ngộ" (giác ngộ dần dần) là sai lầm, trong khi các vị Tổ đời trước đều đã dạy "đốn ngộ" (giác ngộ đột ngột), như "kiếm đâm thẳng vào" nguồn tâm, nhận ngay ra tánh.
Thật ra, tôn chỉ "trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật", mà người ta thường gán cho Bồ Đề Đạt Ma, chỉ xuất hiện sau Huệ Năng, với trường phái phía Nam (hay Nam Tông). Theo học giả Heinrich Dumoulin, bài kệ đầy đủ 4 câu: "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền...", được xem là tôn chỉ của Thiền tông, chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ 11, rất muộn trong lịch sử Thiền Tông Trung Hoa (6).
Thần Hội còn phê bình cách thực hành thiền của ngành phía Bắc, cũng như mọi hình thức thiền ngồi (tọa thiền, tiếng Nhậtlà za-zen), mà ông cho là vô ích: “Khi không có một chút vọng niệm nào trong tâm, ấy là tọa. Khi tìm thấy được bản tánh mình trong tâm, ấy là thiền”.
Ông là một nhà thuyết giáo hùng hồn và một nhà kể chuyện đầy kịch tính.
Nhiều truyền thuyết về Thiền, như cuộc đối thoại giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Võ Đế, hay câu chuyện Nhị Tổ Huệ Khả tự chặt tay mình để tỏ lòng thành khẩn, đã được "bịa đặt", hay nói nhẹ hơn, "sáng chế" bởi Thần Hội, rồi sau đó được tô điểm thêm và nhập vào truyền thống chung của Thiền Tông.
Hơn nữa, ông nhận được sự giúp đỡ từ các quan hệ của ông với các quan chức và sĩ phu thời đó (như nhà thi họa nổi tiếng Vương Duy, một người về sau viết tiểu sử cho Huệ Năng).
Tài thuyết giảng, hùng biện và danh tiếng của Thần Hội đã thu hút quần chúng tới nghe mỗi ngày một đông đảo hơn, đến nỗi cuối cùng ông bị tố cáo là "nghi ngờ có âm mưu tạo phản chống nhà nước", và đến năm 753 bị Hoàng Đế Huyền Tông lưu đày đi các tỉnh vùng xa trong 3 năm.
Nhưng 2 năm sau, cuộc nổi loạn do Tướng An Lộc Sơn bùng nổ, nhằm lật đổ triều đình, và chiếm được hai Kinh đô trong một năm. Tuy nhiên, một cuộc chống cự được nhanh chóng tổ chức chung quanh một Hoàng Đế mới, và vào năm 757, thu hồi lại được hai Kinh đô, đồng thời An Lộc Sơn bị ám sát bởi chính con trai ông.
Nhờ nổi tiếng về tài hùng biện và thuyết giảng, Thần Hội được mời về Lạc Dương để thuyết pháp cho đông đảo quần chúng, với mục đích gây quỹ để ủng hộ chiến tranh. Sự đóng góp của ông đã được vị tân Hoàng Đế đánh giá rất cao, và nhà Sư khi xưa bị kết tội lưu đày, nay đã trở thành khách mời danh dự của triều đình...
Sau khi ông qua đời, triều đình ban hành một số sắc lệnh: năm 770, đặt tên cho ngôi chùa của ông là “Trí tuệ đường, Chân truyền học”; năm 796, xác định rằng "Sư phụ Hà Trạch Thần Hội là Tổ thứ 7"; năm 815, truy tặng Huệ Năng (đã qua đời 106 năm trước) là "Sư phụ của Đại Trí tuệ". Hai nhà văn lớn thời bấy giờ, Liễu Tông Nguyên và Lưu Vũ Tích, được trao cho công việc viết lại tiểu sử của Huệ Năng, và khẳng định ngài là Lục Tổ của Thiền tông.
Như vậy, những gì đã xảy ra theo lịch sử dường như không ăn khớp với câu chuyện kể lại trong Kinh Pháp Bảo Đàn, thường được xem như một tự truyện của Huệ Năng.
Thật ra, Kinh này chắc là đã được biên soạn bởi các đệ tử của Huệ Năng, khá lâu sau khi ngài viên tịch. Người ta cho rằng tác giả của nó là Pháp Hải, một đệ tử của Thần Hội, nhưng cũng có thể đó là một văn bản với những phần bổ túc thêm vào và sửa đổi dần dần.
Khi so sánh các phiên bản về sau của Kinh (vào thế kỷ 11, 13) với các phiên bản cổ xưa nhất (thế kỷ thứ 9, giữa 830 và 860) mới được khám phá tại Đôn Hoàng, cùng một số tài liệu về Thần Hội, người ta có thể nói rằng nhiều câu chuyện về Huệ Năng đã được phóng đại lên, thậm chí là hư cấu, vì đã được "bịa đặt" hay "sáng chế", tạo dựng lên bởi các đệ tử của ngài, đặc biệt bởi Thần Hội. Chẳng hạn như : chuyện trao truyền y bát bởi Hoằng Nhẫn cho Huệ Năng để trở thành Lục Tổ; chủ trương "Nam đốn ngộ" chống lại với "Bắc tiệm ngộ"; và sự bài xích thiền ngồi theo Bắc Tông (7).
Vậy thì những điều mà người ta biết về con người thật của Huệ Năng, là gì?
Theo tiểu sử viết bởi Vương Duy năm 734, Huệ Năng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sống ở vùng Lĩnh Nam, tỉnh Quảng Đông, và bị xem là "rợ" vì là người dân tộc thiểu số Cát Liêu. Trong khi đi về phía Bắc tìm công việc làm, ngài tìm thấy việc nơi chùa của Hoằng Nhẫn, tại núi Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc, và ở lại đó tu học một thời gian. Sau vụ gọi là "khảo chứng - truyền y bát" đó, ngài trở lại miền Nam, và trong 16 năm sống bên cạnh những thường dân nghèo, làm nghề nông và buôn bán. Sau đó, ngài thọ giới với một nhà Sư theo Niết Bàn Tông và bắt đầu giảng dạy, cho đến khi viên tịch, vào khoảng 75 tuổi. Một pho tượng gồm xác ướp mà người ta cho là của ngài được thờ tại chùa Nam Hoa, tại thị trấn Mã Bá, gần thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông.
Theo Vương Duy, ngài dạy sự bao dung và nhẫn nhục, vì "người biết nhẫn nhục không màng đến mạng sống của mình, và như vậy trở thành vị tha". "Đó là hạnh nguyện đầu tiên và lời dạy chính yếu của ngài". Ngài thường thở dài nói : "Dù bố thí tất cả Thất Bảo, hay hành thiền trong vô số năm trời, hay viết với tất cả mực của vũ trụ, không có gì sánh được một cuộc sống vô vi và tình thương vô hạn". Liễu Tông Nguyên, vào năm 816, cũng nói: "Lời dạy của ngài bắt đầu từ thiện tâm của con người và kết cuộc bằng thiện tâm của con người. Không cần phải cày bừa, cũng không cần phải nhổ cỏ: đó chính là sự trong sáng uyên nguyên".
Cũng như đa số đệ tử trường phái Lăng Già, theo tôn chỉ ban đầu của Bồ Đề Đạt Ma là sự chịu đựng, nhẫn nhục trước mọi đối xử nghiệt ngã và khổ đau, Huệ Năng chắc hẳn là sống một cuộc đời khổ hạnh, theo hạnh "đầu đà" (dhutaṅga).
Có thể ngài đã học được từ kinh nghiệm sống giữa những con người bình dị, rằng có một khả năng thực sự mở rộng trái tim và trí tuệ của con người bằng một sự bừng tỉnh, ngay tức khắc.
Và về “đốn ngộ/ tiệm ngộ”, quan điểm của Huệ Năng cũng uyển chuyển, linh động hơn cách nhìn của Thần Hội nhiều : "Nhìn dưới khía cạnh Phật tánh và đạo Pháp, thì không có đốn ngộ, cũng như không có tiệm ngộ. Nhưng trong cách nhìn, có một lối nhanh và một lối chậm. Nhìn chậm, là tiệm giáo; nhìn nhanh, là đốn giáo".
Khác với Thần Tú và Thần Hội, Huệ Năng không để lại một tác phẩm, một Ngữ lục nào.
Nhưng sau khi Thần Tú và Thần Hội đã mỗi người nổi danh một thời, với chức vị cao sang và đông đảo đệ tử, trường phái Đông Sơn và Hà Trạch của họ tàn lụi một cách nhanh chóng, vì không có người kế tục.
Trái lại, nhờ cuộc chiến đấu kiên trì (nhưng có phần giả tạo…) của Thần Hội trong 30 năm, tiếng tăm của Huệ Năng, đã viên tịch hơn một thế kỷ trước, nổi trội lên hơn bao giờ hết.
Vào phần tư cuối của thế kỷ thứ 8, một cuộc hưởng ứng lớn bắt đầu, với đa số các giáo thọ và các trường học Thiền đổ xô vào gia nhập ngành phía Nam của Huệ Năng và Thần Hội…
Huệ Năng thuộc vào thời kỳ đầu của lịch sử Thiền Tông, thời kỳ gọi là "thần thoại", nhưng dấu ấn, ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài lại in sâu đậm vào thời kỳ thứ nhì, gọi là thời kỳ "cổ điển", qua hình ảnh bán-thần thoại của ngài, phần lớn tạo dựng lên bởi Thần Hội và các đệ tử, vào một giai đoạn có thể gọi là chuyển tiếp (8).
Trịnh Đình Hỷ
Olivet, 9/8/2023
Chú thích và tài liệu
1) McRae John (2000), The Platform Sutra of the Sixth Patriarch. Translated from the Chinese of Zongbao (PDF), Berkeley: Numata Center for Buddhist Translation and Research, archived from the original (PDF) on August 22, 2012
2) Đó là : “Lục Tổ Năng Thiền Sư Bi” của Vương Duy, “Viên Giác Kinh Đại Sơ Thích Ý Sao” và “Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự” của Tông Mật, và “Tống Cao Tăng Truyện” của Tán Ninh.
3) Tài liệu về Thần Hội: “Thần Hội Hòa thượng di tập” và “Hà Trạch Thần Hội Thiền Sư Ngữ Lục”, biên tập bởi Hồ Thích, và dịch bởi Jacques Gernet, dưới tên :
Entretiens du Maître de Dhyâna Chen-houei de Ho-tsö
Publications de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Vol. XXI, Hanoi, 1949
4) Sư Ngọc Tuyền Thần Tú (606?-706) họ Lý, gốc ở Hà Nam gần Lạc Dương, gia đình quí tộc, có học Nho và Lão giáo, nhưng sau theo Phật, đi tu năm 19 tuổi tại chùa Thiên Cung ở Lạc Dương, đến 45 tuổi trở thành đệ tử lớn tuổi nhất của Hoằng Nhẫn, và được Hoằng Nhẫn trao cho Kinh Lăng Già, để nối Pháp theo trường phái Lăng Già (còn gọi là Đông Sơn, thành lập bởi Đạo Tín và Hoằng Nhẫn). Năm 677, Thần Tú được triều đình cử đi trụ trì và giảng dạy giáo pháp Đông Sơn tại chùa Ngọc Tuyền, ở Hồ Bắc, và trong hơn 20 năm có rất nhiều đệ tử… Trong 5 năm cuối, ông đi ngao du thuyết giảng giữa hai Kinh đô và qua đời vào khoảng 100 tuổi. Theo nhà Phật học John Mc Rae, ông chính là tác giả của “Quán Tâm Luận”, trước kia được gán cho Bồ Đề Đạt Ma.
5) Sư Hà Trạch Thần Hội (684-758) họ Cao, gốc ở Hồ Bắc, thành phố Tương Dương, thuở nhỏ học Nho và Lão, Trang, đi tu với Sư Hạo Nguyên tại chùa Quốc Xướng, rồi tại chùa Ngọc Tuyền dưới sự trụ trì của Sư Thần Tú trong 3 năm. Vào khoảng 700, ông trở thành đệ tử của Huệ Năng tại Thiều Châu, Quảng Đông, sau khi Thần Tú được Võ Hậu mời lên Kinh đô Lạc Dương, và 20 năm sau tu ở chùa Long Hưng tại Nam Dương, Hồ Bắc… Ông qua đời vào tuổi 75, để lại một số tác phẩm biện hộ cho quan điểm mình, như “Hiển Tông Ký”, “Bồ Đề Đạt Ma Nam Tông Định Thị Phi Luận”. Dòng Hà Trạch do ông thành lập bị tàn lụi sau vụ đàn áp lớn Phật giáo năm 845. Một đệ tử nổi bật của dòng này là Khuê Phong Tông Mật, cũng được xem là Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tông.
6) Heinrich Dumoulin
Zen Buddhism: A History - A History in India and China, pp. 132-133
Macmillan Publishing Company, New York 1988
7) Hu Shih (Hồ Thích)
C’han (Zen) buddhism in China - Its history and method
Philosophy East and West, vol. 3, no. 1, University of Hawai’i Press, pp. 3–24, 1953
8) Lịch sử Thiền Tông thường được chia ra làm 3 giai đoạn hay thời kỳ :
- 1. Thời kỳ thần thoại (c. 500-700, Bắc Triều và Nam Triều, đời Tùy, đầu đời Đường).
Là "thời kỳ 6 Tổ", bắt đầu với Bồ Đề Đạt Ma và kết thúc bằng sự phân tách ra làm hai ngành Bắc và Nam Tông.
- 2. Thời kỳ cổ điển (c. 700-900, đời Đường), đánh dấu bởi cuộc nổi loạn An Lộc Sơn (755-763) và sự đàn áp lớn Phật giáo (845-846). Đó là "thời kỳ các Đại Tổ sư", với những khuôn mặt nổi bật, chống truyền thống, và được xem như là "thời vàng son" bởi thời kỳ sau.
- 3. Thời kỳ văn chương (c. 900-1300, Ngũ Đại, đời Tống), với sự xuất hiện của nhiều văn bản, tập truyện gọi là Ngữ lục, ghi lại những giai thoại, những đối đáp thầy-trò, những công án, thoại đầu, cùng những bàn luận thêm vào sau. Đó là một giai đoạn trưởng thành về cấu trúc, nhưng bắt đầu suy đồi về tâm linh, nặng về hình thức và ít hồn nhiên, sáng tạo hơn.