• In bài này

"Vô ngã", một con đường đưa đến sự bao dung và hòa bình

______________________________

Trịnh Đình Hỷ

 

 

        Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và da điện, trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như văn hóa và môi trường.

        Đứng đầu là những xung đột giữa các quốc gia, dân tộc, như các cuộc chiến tranh đang tàn phá nhiều nơi trên thế giới, và trong một xã hội, giữa các cộng đồng, các nhóm người khác nhau.

        Theo những số liệu mới nhất của Cao ủy Liên Hiệp quốc về Tị nạn, thì hiện nay có hơn 120 triệu người phải di tản, rời bỏ nhà cửa để tránh chiến tranh và mọi hình thức bạo động, áp bức, vi phạm nhân quyền, trong đó một phần ba là người tị nạn cần đến sự bảo vệ quốc tế, phần lớn còn lại phải di tản ngay trong xứ sở mình. Con số này gia tăng rất nhanh (thêm 70 % trong 4 năm), chứng tỏ rằng tình trạng xung đột kéo dài này mỗi ngày một lan rộng và trầm trọng hơn (1). 

        Thêm vào đó, cuộc tranh chấp, chạy đua về kinh tế, khai thác tài nguyên và sản xuất kỹ nghệ, mỗi ngày một gay go hơn giữa các quốc gia, đã đưa tới những hậu quả vô cùng tai hại trên môi trường trái đất, và biến đổi khí hậu...

        Nếu đặt câu hỏi, cũng như đức Phật Thích Ca cách đây 25 thế kỷ, tại sao con người và xã hội ngày hôm nay lại gặp phải bao nhiêu khổ nạn, tai ương như vậy, trong khi đã có bao nhiêu thành quả về khoa học kỹ thuật và tiện nghi vật chất, thì chúng ta thấy rõ rằng nguồn gốc của những xung đột, tranh chấp đó giữa các quốc gia, dân tộc, các cộng đồng hay nhóm người, là sự kỳ thị, ganh ghét lẫn nhau, thay vì bao dung và thông cảm lẫn nhau.

        Cùng với sự tham lam, ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, sự kỳ thị là nguyên nhân chính gây nên xung đột, chiến tranh, hận thù và bạo động.

        Sự kỳ thị (discrimination) bắt nguồn từ sự phân biệt (differenciation) giữa "ta" và "người khác", giữa cái "của ta" và "của người khác", giữa "nhóm ta" và "nhóm họ". Từ đó đưa tới những cảm xúc "tiêu cực" đối với "họ", như là khinh miệt, ghét bỏ, sợ hãi, hận thù, có thể được thể hiện bằng những hành vi tiêu cực, tức là lời nói và hành động, chống đối và loại trừ "người khác", "nhóm khác", chỉ vì họ "khác" mình...

Các loại kỳ thị

        Sự kỳ thị thông thường nhất là về quốc tịch, dân tộc. Từ đó sanh ra chủ nghĩa quốc gia, dân tộc (nationalism), là động cơ thúc đẩy bao nhiêu cuộc chiến tranh, xâm chiếm đất đai trong lịch sử, và thường bị lợi dụng bởi các nhà cầm quyền để kích động quần chúng.

        Kỳ thị chủng tộc, màu da cũng đã đưa tới nhiều cuộc thảm sát, diệt chủng, cùng với sự áp bức người da màu (như buôn bán nô lệ da đen), và ngày nay vẫn còn gây nên nhiều đụng độ trong các xã hội đã trở thành đa chủng tộc.

        Kỳ thị tôn giáo cũng đã đưa tới nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, như vào thời Trung Cổ giữa Công giáo và Tin Lành, Công giáo và Hồi giáo, cuộc tàn sát 6 triệu người Do Thái giáo bởi Đức quốc xã Nazi vào lúc thế chiến II, và gần đây hơn sự bành trướng của các phong trào quá khích Hồi giáo, chủ trương chinh phục thế giới bằng "thánh chiến" (jihadism) và hành động khủng bố.

        Ý tưởng tự tôn dân tộc hay chủng tộc đã tạo ra các chủ nghĩa đế quốc (imperialism), chủ nghĩa thực dân (colonialism), chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid), chủ nghĩa phát xít (fascism), gây nên những tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

        Ngoài ra còn có những loại kỳ thị khác, như kỳ thị đối với dân địa phương, hay đối với các dân tộc thiểu số ở vùng xa, vùng cao, thường bị xem là văn hóa thấp kém hơn.

        Kỳ thị giai cấp xã hội, có thể xảy ra giữa các tầng lớp trí thức- trưởng giả và tầng lớp lao động tay chân, và đặc biệt tại Ấn Độ, giữa các "thế cấp" (varna), gây nên sự áp bức các thế cấp thấp nhất.

        Kỳ thị người khuyết tật tức là đối xử tệ với họ, gạt bỏ hay không giúp đỡ họ trong các sinh hoạt xã hội.

        Kỳ thị giới tính, thông thường nhất là đối với nữ giới, hiện nay vẫn bị thiệt thòi so với nam giới, trong khi đa số xã hội vẫn còn tính chất "gia trưởng" (patriarchal). Ngoài ra, còn sự kỳ thị đối với người đồng tính hay chuyển tính, nói chung đối với tất cả các thiểu số về tính dục, nay gọi là LGBTQ. Gần đây, có xuất hiện một phong trào gọi là "woke" (thức tỉnh) nhằm tranh đấu chống mọi kỳ thị, đặc biệt kỳ thị các thiểu số về giới tính; phong trào này lại gây nên phong trào "anti-woke" chống đối lại...

        Trước tất cả các loại kỳ thị đó, trên thế giới, trong xã hội, gây nên chia rẽ, chống đối lẫn nhau, giữa những con người phải chung sống với nhau như dưới cùng một mái nhà, thì liệu có thể có những biện pháp nào để giải quyết chúng, để cho mọi người bớt kỳ thị lẫn nhau?

Các biện Pháp chống lại sự kỳ thị

        Các biện pháp có thể đưa ra trên hai lãnh vực, pháp luật và đạo đức.

        1. Về pháp luật

        Quyền công dân, nhân quyền và quyền thiểu số phải được ban hành và tôn trọng. Theo Điều 2 của "Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền" được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua năm 1948, "mỗi người đều được hưởng mọi quyền và tự do, không phân biệt bất kỳ loại nào, như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, xuất thân hoặc địa vị khác".

        Tại một số quốc gia, các hành động kỳ thị chủng tộc bị nghiêm cấm và trừng phạt bởi pháp luật, cũng như sự kêu gọi, kích động công khai thù hận, bạo động hoặc kỳ thị đối với người khác.

        2. Về đạo đức

        Để ngăn ngừa sự kỳ thị, chia rẽ, thù hận giữa những con người, các triết lý, tôn giáo, từ xưa đến nay, vẫn đề cao một số giá trị đạo đức.

        Như lòng "nhân" theo Khổng giáo, "tình thương" theo các tôn giáo thần khải, đặc biệt lòng "bác ái" theo Ky Tô giáo, và lòng "từ bi" (mettā, karuṇā) theo Phật giáo.

        Thêm vào đó, đạo Jaïn và đạo Phật coi trọng tinh thần "bất bạo động" (ahiṃsā), có nghĩa là: "không làm hại", "không gây thương tổn", không phải chỉ riêng đối với người khác, mà còn là đối với mọi sinh vật.

        Riêng đạo Phật còn đưa ra một biện pháp nữa, triệt để hơn, nhằm bứng gốc rễ của sự kỳ thị, sự phân biệt giữa "ta" và "người khác".

        Đó là giáo lý "Vô ngã" (anattā), một trong "Ba dấu ấn" (tilakkhaṇa) của mọi hiện tượng, theo lời dạy căn bản của đức Phật.

        Nếu hiểu được sâu xa, chứng nghiệm được "Vô ngã", tức là buông bỏ được sự "chấp ngã", thì người ta tự chuyển hóa được tâm mình, không còn kỳ thị, không còn những cảm xúc và hành động tiêu cực như ghét bỏ, khinh miệt, chống đối, loại trừ những kẻ "khác" mình...

Giáo lý "Vô ngã"

        "Vô ngã" là triết lý cốt tủy và đặc thù của đạo Phật. Do đó, đức Phật Thích Ca được gọi là anattāvadi, người thầy dạy về "Vô ngã".

        Giáo lý này đi ngược lại với thuyết "Tiểu ngã - Đại ngã" (ātman-brahman) của đạo Bà-la-môn, tôn giáo chính thống thời cổ xưa tại Ấn Độ. Theo đạo Bà-la-môn, mỗi cá nhân có một linh hồn, một "Tiểu ngã", và sự giải thoát chỉ có thể thực hiện bằng cách sát nhập, hòa đồng linh hồn nhỏ bé của mình vào với linh hồn vĩ đại của vũ trụ, tức là "Đại ngã". Đức Phật phủ nhận cả hai, "Tiểu ngã" và "Đại ngã", đồng thời sự sát nhập, hòa đồng của hai cái mà đạo Bà-la-môn xem như là hai thực thể đó.

        Theo đức Phật, cái mà được gọi là "ta" (Hán-việt gọi là ngã, La-tinh là ego, Anh là self), được cho là một thực thể, một cá nhân (puggala), hay một sinh vật (satta), thật ra chỉ là một khái niệm, một phương pháp qui ước dùng để diễn tả, để chỉ định. Nó không có thật, mà chỉ là sự tụ họp tạm thời và luôn luôn biến đổi của 5 yếu tố tâm- vật lý gọi là "uẩn" (khandha): sắc (rūpa) là cơ thể, thọ (vedanā) là cảm thọ, tưởng (saññā) là nhận biết, hành (saṅkhāra) là các hiện tượng tâm lý xảy ra trong lãnh vực tri thức cũng như cảm xúc, thức (viññāṇa) là ý thức. « Dù có thọ, tưởng, hành, thức, chúng cũng gắn liền với nhau, không tách rời nhau, không thể nào phân chia ra và phân biệt với nhau được » (2).

        Cũng như mọi hiện tượng, mọi pháp hữu vi, các "uẩn" cũng không phải là những thực thể, như trong Tương Ưng Bộ Kinh có ghi chép: "Ví dụ như có một người mắt sáng, nhìn thấy những bọt nước trên sông Hằng và quan sát chúng kỹ càng. Quan sát chúng kỹ càng xong, những bọt nước ấy sẽ xuất hiện như trống không, không có thực, không có thực thể. Cũng như vậy, các tỳ kheo phải xét lại tất cả các hiện tượng sắc, thọ, tưởng, quá khứ, vị lai, xa, gần... và thấy rằng chúng trống không, không có thực, không có thực thể" (3).

        Như vậy, không có gì nằm trong cơ thể và xảy ra trong tâm lý, có thể được xem là cái "ta", cái "bản ngã", cái "cá nhân" thực sự.

        "Vô ngã" (anattā, no-self) như vậy cũng không khác gì cái "không" (suññatā, emptiness). Đối với Nāgārjuna (ngài Long Thọ), "Vô ngã" là cái "không" của cá nhân (puḍgala-nairātmya), trong khi "Không" là  cái "không" của các pháp (dharma-nairātmya), đồng thời cũng là một cách nhìn khác của lý "duyên khởi" (paṭiccasamuppāda, dependent origination), bao trùm vũ trụ và làm cho mọi hiện tượng tương hữu, tương  tác, liên quan mật thiết với nhau. Không có sự vật nào có thể được xem là một thực thể tách rời ra khỏi các sự vật khác.

        Thật ra, đức Phật không bao giờ nói là không có cái "ta".

        Trong Kinh Ānandasutta, thuộc Tương Ưng Bộ Kinh (4), có kể rằng một hôm có sa môn Vacchagotta đến hỏi đức Phật: « Có cái 'ta', có 'tự ngã' phải không, thưa ngài Gotama? » Đức Phật giữ im lặng. Vacchagotta hỏi lại một lần nữa: « Như vậy thì không có 'tự ngã' phải không? » Đức Phật vẫn giữ im lặng. Sau khi Vacchagotta bỏ đi rồi, Ānanda mới hỏi đức Phật tại sao ngài lại không trả lời. Đức Phật lúc bấy giờ mới giải thích: « Nếu ta trả lời là có cái 'ta', có 'tự ngã', thì tức là ta ủng hộ thuyết 'vĩnh cửu' (sassatavāda) của đạo Bà-la-môn; nếu ta trả lời là không, không có cái 'ta', thì tức là ta đi theo thuyết 'hư vô' (ucchedavāda). Hơn nữa nếu trả lời có, thì làm sao phù hợp với sự hiểu biết của ta là mọi pháp đều không có 'tự ngã'? Và nếu ta trả lời không, thì ta sẽ đặt Vacchagotta trong một tình trạng vô cùng bối rối, vì ông ấy trước kia tưởng mình có cái 'ta', sẽ than vãn vì đã đánh mất cái 'ta' của mình rồi! ».

        Có cái "ta" hay không, cũng như "vũ trụ vĩnh cửu hay không? vô biên hay hữu hạn? Như Lai còn hay không sau khi chết? tâm và thân là một hay khác nhau?", thuộc vào những câu hỏi "không thể trả lời" (avyākata), mà đức Phật từ chối trả lời, và chỉ giữ im lặng.

        Và trong Kinh "Vô ngã tướng" (Anattalakkhaṇasutta)(5), là bài kinh thứ nhì thuyết giảng bởi đức Phật, chúng ta thấy ngài không nói là không có cái "ta", mà chỉ nhắc lại nhiều lần: "Cái này không phải là ta. Cái này không phải là của ta". Lakkhaṇa là hình tướng, vẻ ngoài, đặc tính (characteristic). Như vậy, qua bài Kinh "Vô ngã tướng", đức Phật cảnh giác không nên nhận lầm hình tướng này là "ta", hay là "của ta".

        Vấn đề thật ra không phải là có cái "ta" hay không, vì đạo Phật không phải là một bản thể luận (ontology), mà là một hiện tượng học (phenomenology); đức Phật chỉ quan tâm đến các hiện tượng, đặc biệt là hiện tượng "khổ" (dukkha) và con đường "diệt khổ" (nirodha).

        Có một cái "ta" tâm lý, mà mỗi người cảm nhận thấy trong đời sống thường nhật. Đó là một hiện tượng tâm lý tự nhiên, được tâm lý học ngày nay gọi là "sự qui chiếu về ta" (self-reference), "ý thức về ta" (self-awareness) hay "sự bận tâm về ta" (self-preoccupation), và đã được khoa học thần kinh hiển thị bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại, như MRI-f (cộng hưởng từ chức năng não). Hiện tượng này tương ứng với sự hoạt động của hai vùng nằm giữa hai bán cầu não (6), thuộc mạng lưới nơ rôn gọi là "Mạng chế độ mặc định" (Default Mode Network). Nó xảy ra mỗi khi người ta nghĩ về mình hay những người thân của mình, về các ký ức, các dự án, các vấn đề của mình, nói chung tất cả những gì liên quan đến cái "ta"...

        Đức Phật không phủ nhận cái "ta" tâm lý đó. Nhưng ngài cảnh giác rằng đó chỉ là một ảo tưởng, không nên tưởng lầm nó là cái "ta".

        Vì vậy cho nên tỳ kheo Thanissaro, một tăng sĩ Theravāda gốc Mỹ, đã đề nghị dịch "Vô ngã" là NOT-SELF (không phải là "ta"), thay vì là NO-SELF (không có cái "ta")(7).

Từ "Vô ngã" đến sự bao dung và hoà bình

        Đức Phật dạy rằng chính vì sự nhận lầm cái "ta" đó, sự chấp chặt vào cái "ta" ảo tưởng đó, cho nên con người mới tạo nên nghiệp xấu, và tự gây cho mình phiền não, khổ đau.

        Nguồn gốc của sự khổ đau là sự thèm khát, ham muốn (taṇhā), và mọi ham muốn đều nhằm thỏa mãn cái "ta" của mình. Do đó, nếu muốn diệt được khổ đau, thì phải loại bỏ nguyên nhân chính của nó, là "chấp ngã".

        Thay vì ôm chặt cái "ta", bám víu vào cái "ta", bận tâm về cái "ta" và những cái mà mình cho là "của mình", thì phải buông bỏ bớt nó đi, coi nhẹ bớt nó đi. Không phải là xóa bỏ ý thức về cái "ta", mà là giảm thiểu chỗ đứng của nó trong tâm thức mình, bớt tham lam, ích kỷ, bớt nghĩ về mình, về lợi ích của mình.

        Thay vào đó, mở rộng tâm mình hướng về người khác, quan tâm đến người khác và thế giới chung quanh nhiều hơn, với ý thức rằng mình cũng như bao nhiêu hiện hữu khác, liên quan mật thiết với nhau, do lý "duyên khởi" bao trùm vũ trụ.

        Quán sâu hơn, thì chúng ta thấy con người chỉ có bề ngoài, màu da, hình dáng hay cá tính, văn hóa khác biệt nhau thôi, nhưng trong chiều sâu, căn bản giống hệt nhau: từ giòng máu đỏ có thể truyền cho nhau, lục phủ ngũ tạng có thể ghép cho nhau, cho đến trái tim, biết yêu thương, giận hờn, vui sướng, buồn chán, hạnh phúc, khổ đau, tin tưởng, tuyệt vọng,... chẳng khác gì nhau.

        Như vậy, "Vô ngã" không phải một lý thuyết trừu tượng hay một giáo điều, mà là một phương pháp tâm lý ứng dụng, một cách tu tập để chuyển hóa tâm thức, nhằm giảm bớt ý thức hay sự quan tâm về cái "ta" và "của ta", và mở rộng tâm mình ra thế giới bên ngoài, để không còn sự phân biệt, so sánh với người khác và từ đó kỳ thị người khác.

        Trong một xã hội áp dụng tinh thần "Vô ngã" như một giá trị đạo đức phổ quát, thì mọi người đều có thể nhìn nhận nhau, cảm thấy gần gũi nhau hơn là xa cách, giống nhau hơn là khác biệt, tức là bớt kỳ thị, tranh chấp lẫn nhau.

        Thay vì nghi kỵ, sợ hãi, chống đối, chỉ vì người "khác" không giống mình, thì người ta sẽ thông cảm nhau hơn, bao dung với nhau, sẵn sàng đối thoại, cộng tác với nhau và sống chung hòa bình với nhau.

        Trái lại, khi các xã hội bị lôi cuốn theo chiều hướng kỳ thị và tranh chấp, bởi một số lãnh đạo có một cái "ngã" to khủng, thì khả năng xảy ra các cuộc xung đột, bạo động với phản ứng dây chuyền trở nên rất cao...

Kết luận

        Trong một thế giới mà sự kỳ thị giữa các cá nhân, các nhóm người, các cộng đồng là nguồn gốc chính của những xung đột, chiến tranh, bạo động, gây nên bao nhiêu khổ đau, thì giáo lý "vô ngã", chủ trương bởi đạo Phật, có khả năng xóa bỏ sự phân biệt giữa "ta" và "người khác", và thay sự kỳ thị đó bằng sự bao dung, thông cảm lẫn nhau.

        "Vô ngã" cũng đồng thời là ý thức được lý "duyên khởi" một cách sâu sắc, và cảm nhận rằng tất cả các con người, mặc dù có những vẻ khác biệt, nhưng trong căn bản đều giống nhau, đều có liên hệ với nhau, tương duyên tương tác với nhau. Tất cả như cùng đi trên một con thuyền, giữa cơn sóng gió, cần tương trợ, giúp đỡ nhau, thay vì đố kỵ, tranh giành nhau. Để cho con thuyền đó, chính là trái đất, hành tinh xanh nuôi dưỡng tất cả chúng sinh, không còn bị phá hủy và tiếp tục xanh tươi...

        "Vô ngã" có thể là một giá trị tinh thần phổ quát đem lại sự an bình cho cá nhân, sự hòa hợp cho xã hội, hoà bình cho thế giới và sự an toàn cho trái đất và môi trường.

       

                                                                       Trịnh Đình Hỷ

                                                                       Olivet, 28/01/2025

(Bài trình bày nhân dịp Hội Thảo Đại Lễ Vesak

Liên Hiệp Quốc 6-8/5/2025 tại Tp HCM, Việt Nam)

 

Chú thích và Tài liệu tham khảo

1) Forced displacement - Refugees, asylum-seekers, and internally displaced persons (IDPs), trong European Commission, trang Web chính thức của European Union

https://civil-protection-humanitarian-aid.ec.europa.eu/what/humanitarian-aid/forced-displacement_en

2) Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), MN 43

Mahāvedallasutta, dịch bởi Bhikkhu Sujato

https://suttacentral.net/mn43/en/sujato?lang=en&layout=plain&reference=none&notes=asterisk&highlight=false&script=latin

3) Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), SN 22.95

Pheṇapiṇḍūpamasutta, dịch bởi Bhikkhu Bodhi

https://suttacentral.net/sn22.95/en/bodhi?lang=en&reference=none&highlight=false

4) Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), SN 44.10

Ānandasutta, dịch bởi Bhikkhu Bodhi

https://suttacentral.net/sn44.10/en/bodhi?lang=en&reference=none&highlight=false

5) Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya), SN 22.59

Anattalakkhaṇasutta, dịch bởi Bhikkhu Sujato

https://suttacentral.net/sn22.59/en/sujato?lang=en&layout=plain&reference=none&notes=asterisk&highlight=false&script=latin

6) Hai vùng não đó là "Vỏ trước trán giữa" (medial prefrontal cortex, MPFC) và "Vỏ đai sau" (posterior cingular cortex, PCC), cùng với vùng "precuneus" sát cạnh. Điểm đáng chú ý là thiền chánh niệm (mindfulness meditation) làm giảm hoạt động nơi hai vùng đó. Xem :

- Neural correlates of self-reflection. Johnson S.C., Baxter L.C., Wilder L.S. et al., (2002), Brain 125:1808-1814

- Vô ngã, thiền định và khoa học thần kinh. Trịnh Đình Hỷ (2015)

http://chimviet.free.fr/thoidai/trinhnguyenphuoc/tnp_VoNgaThienDinhKHThanKinh_a.htm

7) No-self or Not-self? Thanissaro Bhikkhu (1996)

https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/notself2.html