ĐƯỜNG LỐI CỦA THIỀN VIỆN TRÚC LÂM

Như chúng ta đều biết, đường lối của một tổ chức vô cùng quan trọng. Cũng như một con thuyền lênh đênh trên biển cả, muốn vượt qua cơn phong ba, bão tố, người lái thuyền phải giữ vững tay lái theo một định hướng rõ rệt, dựa lên bản đồ và kim chỉ nam. Người thuyền trưởng, cũng như các người đi trong thuyền, phải biết rõ mình muốn đi đâu, về hướng nào, chứ không để cho sóng gió đẩy đi đâu thì đi, phó mặc mình cho ngẫu nhiên hay định mệnh...

Ở nơi nào cũng vậy, mỗi tự viện đều có một đường lối, một phong cách vạch ra bởi vị Tổ sáng lập, khai sơn: chẳng hạn như Giáo Hội Linh Sơn thì có Thầy Huyền Vi, Chùa Khánh Anh có Thầy Minh Tâm, Làng Mai có Thầy Nhất Hạnh, hệ thống Trúc Lâm ở VN thì có Thầy Thanh Từ… Thiền viện Trúc Lâm (Villebon s/Yvette và Marseille), thì có Thầy Thiện Châu đã dày công xây dựng cách đây hơn bốn chục năm.

Như vậy, đường lối của Thiền viện Trúc Lâm chính là đường lối xiển dương đạo Phật của Thầy Thiện Châu, chúng ta có thể khẳng định điều đó.

Thiết tưởng cũng phải nhắc lại tiểu sử của Thầy:

Thầy Thiện Châu xuất thân từ Tổ đình Tây Thiên, Huế, là đệ tử của HT Giác Nguyên, thuộc dòng Thiền Lâm Tế, truyền thừa bởi Tổ Liễu Quán. Sau khi tốt nghiệp Trường Phật học Báo Quốc và giảng dạy tại các tỉnh miền Trung, Thầy sang du học Ấn Độ, đậu cử nhân Pali và Anh văn, rồi sang London học tại Trường Đông phương và Phi châu học, sau đó sang Paris đậu Tiến sĩ 3è cycle Triết học rồi Tiến sĩ Quốc gia Văn chương và Khoa học Nhân văn, đồng thời làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Vì được tiếp xúc nhiều với các tăng sĩ, các nhà Phật học cũng như các nhà tôn giáo, văn hóa khác nhau trên thế giới, cho nên Thầy luôn luôn có một thái độ cởi mở, cầu tiến, đề cao tinh thần phê phán, thực nghiệm của Kinh Kalama, đồng thời vẫn luôn luôn hướng về quê hương và dân tộc. Các vị cao tăng gần gũi với Thầy nhất là các HT Minh Châu, Thiện Siêu, Thanh Từ và Thiền sư Nhất Hạnh.

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Thầy, Thầy luôn luôn cố gắng phát triển một đạo Phật sáng sủa, giản dị, dễ hiểu, áp dụng được trong đời sống thường nhật, đồng thời trung thành với lời Phật dạy. Đường lối của Thầy gồm có một số điểm chính yếu:

1) Thầy quan niệm rằng con đường tu học Phật là để hiểu và thực hành trong đời sống, chứ không phải dành riêng cho các nhà tu hành và một số trí thức. Ai cũng có thể hiểu và đi theo được đạo Phật, nếu được giải thích giáo lý một cách giản dị.

Khác với các tôn giáo thần khải đặt nặng vào đức tin, đạo Phật dựa vào trí tuệ nhiều hơn, cho nên Thầy vẫn nhắc lại rằng đạo Phật là đạo của « trí tuệ và từ bi ».

Thầy luôn luôn chống lại những điều mê tín hoang đường, bói toán, bùa phép, đồng bóng, cúng tế thần linh, ma quỷ, cô hồn, không phù hợp với khoa học và tinh thần đạo Phật.

2) Về giáo lý, Thầy vẫn lấy những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm căn bản, như Bốn Sự thật chân chánh, Con Đường chánh tám nẻo, Nghiệp, Nhân quả, Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, và Giới, Định, Huệ. Các Kinh mà Thầy thường dựa vào để giảng giải đạo Phật là Kinh Chuyển Pháp luân, Kinh Vô Ngã tướng, Kinh Từ Bi, Kinh Chơn Hạnh phúc và Kinh Pháp Cú, đa số ở trong Bộ Kinh (Nikaya) pali.

Trong bài « Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển Phật Giáo Việt Nam » (a), Thầy nói: « Chúng ta quan niệm đạo Phật là một cây lớn; chúng ta không chia phần gốc là quan trọng, hay phần cành là quan trọng. (…) Vì vậy chúng ta không phân biệt Ðại thừa, Tiểu thừa, ngay cả Nhất thừa, cho đến Tối Thượng thừa chúng ta cũng không nói đến; chỉ nhắc đến giáo pháp của Phật là phương pháp đạo lý để giải thoát và giác ngộ, tùy theo căn cơ mình tu tập. »

Tuy nhiên, trong bài viết về « Kinh Sa môn Chơn chánh » (b), thuộc « Tiểu Bộ Kinh », Thầy cho rằng quan điểm « ngũ thời phán giáo » của một cổ đức Trung Quốc (tức là ngài Trí Giả) « không phù hợp với lịch sử tư tưởng Phật giáo và nhất là hoàn toàn sai với lịch trình thuyết pháp của Phật... Sự sai lầm lớn nhất là xem nội dung A Hàm là thấp kém (gọi là Tiểu thừa), và nội dung Niết Bàn, Pháp Hoa là cao nhất (gọi là Tối thượng thừa) ». Thầy còn tiếp: « Các cổ đức Trung Quốc là những bậc lão thông kinh điển, nhất là kinh điển phát triển Ðại thừa, song rất thiếu sót về quan niệm lịch sử nhất là lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ (…) Quan niệm lệch lạc về lịch sử tư tưởng Phật giáo này đã gây nên hậu quả nguy hiểm là khinh rẻ giáo lý căn bản do chính Phật thuyết trong 45 năm, trái lại ham chuộng kinh điển phát triển về sau. Thậm chí, có những tôn phái chủ trương chỉ đọc tụng một bộ Kinh Pháp Hoa hay chỉ cần ca ngợi Kinh Pháp Hoa bằng cách tụng niệm câu "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" cũng đủ thành Phật! (…) Lẽ dĩ nhiên trong các kinh điển phát triển có rất nhiều ý cao đẹp của đức Phật Thích Ca được giải thích rộng ra rất là lý thú, song đứng về chơn lý vẫn có những điểm quá xa, nhiều khi quá lệch lạc, nhất là hay tuyên truyền về sự đặc thù của kinh (…) Như thế, đối với chúng ta, tất cả gia tài giáo lý mà chúng ta có được đều là vô giá, song điều cần thiết khi đọc kinh là phân biệt kinh nào là kinh Phật, kinh nào là kinh Tổ. » (b)

3) Về thờ Phật, Bồ Tát, cũng như về Nghi lễ tụng niệm, thái độ của Thầy cũng rất rõ rệt :

Trong bài « Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển Phật Giáo Việt Nam » (a), Thầy nói: « Nhiều khi quá khoan hòa chúng ta quên mất ý niệm lịch sử; vì vậy, có nhiều người đi chùa mà không biết Phật là ai, ai là người lập ra Ðạo Phật. Có Nam mô Phật, có Nam mô A Di Ðà Phật, có Nam mô Ðấu Chiến Thắng Phật,... nhưng quên mất và cũng không hiểu rõ rằng người sáng lập ra đạo Phật là Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (…) Trong thời đại khoa học này, chúng ta phải tập trung làm sáng tỏ Ðức Bổn sư của chúng ta, vì Ðức Bổn Sư quá đẹp, quá cao, quá siêu việt. Chúng ta có thể thờ tất cả các vị Bồ Tát, nhất là Bồ Tát Quan Thế Âm, nhưng đừng để những đức tánh của các vị Bồ Tát hay hình tượng các Ngài che lấp ánh sáng Ðức Bụt của chúng ta (…) Trong Phật Giáo bây giờ có hiện tượng là nhiều khi có chùa mà không thờ Phật, hoặc thờ Phật mà không được rõ ràng, không được chú tâm tới Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, cũng đừng lấy làm lạ khi có người nghi ngờ tôi không phải là tu sĩ, người ta tới chùa không thấy tôi niệm A Di Ðà Phật. Tôi biết Ðức Phật A Di Ðà rất quý, rất đẹp, là một nơi cho nhiều người quy hướng, nhất là về tuổi già và hy vọng cho đời sau. Nhưng tôi không niệm A Di Ðà Phật vì tôi muốn cố ý làm cho Ðức Bổn Sư lịch sử, cũng như hình tượng Ngài được nổi lên rõ ràng, để chúng ta theo đó mà tu hành. Làm sao cho lịch sử Ðức Phật và tất cả những cái đẹp của Ngài được sáng ra để làm định hướng cho sự phát triển, cho sự tu dưỡng của chúng ta. »

Để trả lời lá thư một Phật tử (c) đặt câu hỏi tại sao lại tụng kinh Chơn Hạnh phúc, kinh Từ Bi mà không tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Thầy viết như sau: « Tôi xin nói rõ rằng tôi không hề ngăn trở việc tụng các kinh này nhưng tôi chỉ khuyến khích những người nào hiểu nghĩa và quen tụng các kinh nầy nên tụng riêng ở nhà. Không cần nói đến tính cách tông phái của nó: kinh A Di Ðà thích hợp với người theo Tông Tịnh Ðộ, kinh Phổ Môn thích hợp cho những người tin tưởng Bồ tát Quan Âm (…) Trong khi đó, kinh Chơn Hạnh phúc và kinh Từ Bi là những kinh ngắn, hay, căn bản cho tất cả Phật tử và cũng là những kinh do chính đức Phật đã nói ra. » (c)

Còn về câu hỏi tại sao không tụng các bài chú như chú Ðại bi, chú Chuẩn đề, như ai cũng làm bên nhà, thì Thầy trả lời: « Các bài thần chú chỉ có người Phật tử theo Mật giáo mới tụng mà thôi. Ðó là không nói đến điều không chính xác do sự phiên âm từ chữ Phạn sang chữ Tàu và được đọc ra bằng tiếng Việt. Hơn nữa các bài chú nầy không thể giảng nghĩa. » (c)

4) Thầy luôn luôn chủ trương làm nghi lễ, tụng kinh bằng tiếng Việt. Thầy nói: « Chữ Hán Việt đối với phần đông rất là xa lạ. Trong khi đó mục đích của việc tụng kinh là để hiểu lời Phật dạy. (…) Ngày xưa người Việt Nam mình chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên trong các chùa chiền thường tụng kinh bằng tiếng Hán Việt. Ngày nay, vì ảnh hưởng của văn minh Âu Mỹ, ít người biết chữ Hán. Do đó, Phật tử chúng ta nên tụng kinh bằng chữ Việt để khi tụng mình hiểu được ngay những lời hay ý đẹp của kinh. (…) Hơn nữa, sự tụng kinh là cốt ở sự hiểu nghĩa của kinh. Chính đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú: ‘Chỉ một lời chánh pháp, Nghe xong tâm bình an, Hơn tụng cả muôn ngàn, Những lời kệ vô dụng.’ » (c)

5) Tuy luôn luôn tôn trọng truyền thống cầu siêu, cầu an, tụng niệm Kinh Phật của người Việt Nam, nhưng Thầy vẫn nhắc nhở rằng « cầu siêu » cho người chết thật ra là để « cầu an » cho những người thân còn sống, và tụng niệm Kinh là để hiểu Kinh và để cho tâm được an tĩnh, chứ không phải là để cầu xin được phước đức hay lợi lộc gì.

Trong sự tu tập, thiền định đối với Thầy rất quan trọng. Thầy khuyến khích các Phật tử nên thực hành thiền định đều đặn, theo lời dạy của đức Phật trong Kinh Tứ Niệm Xứ hay Kinh Niệm Hơi Thở. Các đệ tử cũ của Thầy đều còn nhớ, nhân các Trại Hè trong những năm 1960-70, đến các buổi sáng được Thầy hướng dẫn ngồi thiền định, trên cánh đồng yên tĩnh, dưới ánh nắng ban mai...

6) Thầy luôn luôn quan tâm đến sự áp dụng đạo Phật vào cuộc sống, và do đó sự cần thiết thích hợp hóa đạo Phật với xã hội hiện đại. Đó là lý do Thầy đã chủ trì một số Hội thảo về « Đạo Phật và những vấn đề của thời đại » và « Hướng phát triển của PGVN » vào những năm 1995 – 1998, với sự đóng góp của các trí thức và học giả từ nhiều nơi tới tham dự.

Ý chí hội nhập PGVN vào PG thế giới cũng được Thầy tỏ rõ bằng câu tụng Qui y Tam Bảo bằng tiếng Pali trong các buổi lễ tại Trúc Lâm Thiền viện. Thầy giải thích: « Sở dĩ Phật tử bên nầy tụng ba qui y và năm giới là vì chính Hội Phật giáo Liên Hữu quốc tế đã quyết định: "Phật tử nên tụng ba qui y và năm giới trước các buổi lễ Phật và các cuộc hội họp". Và họ tụng bằng Pali là để gây tinh thần đồng nhất không những giữa Phật tử Nam Tông, Bắc Tông Việt Nam mà cả giữa Phật tử Việt Nam với Phật tử Pháp, Anh, Lào, Miến Điện, Tích Lan, vv.. » (c).

Đường lối của Thầy Thiện Châu, và là đường lối của Thiền viện Trúc Lâm, như vậy có thể tóm tắt như sau :

1) Lấy những lời dạy của đức Phật Thích Ca, trong một số Kinh trong Bộ Kinh (Nikaya), làm căn bản và trọng điểm.

2) Trình bày giáo lý một cách giản dị, dễ hiểu, với những áp dụng thường nhật, phù hợp với đời sống hiện đại.

3) Gạt bỏ mọi hình thức mê tín, dị đoan, hoang đường, các chẩn tế thần linh, cô hồn, v.v.

4) Tôn trọng truyền thống « cầu siêu » để nâng đỡ tinh thần tang quyến, và phương pháp tụng niệm cho những người hợp với hình thức tụng niệm, nhưng cũng phải nhớ rằng Thiền viện Trúc Lâm thuộc dòng Thiền tông Lâm Tế chứ không phải Tịnh Độ tông.

5) Tụng Kinh bằng tiếng Việt, không bằng tiếng Hán hay tiếng Phạn phiên âm sang tiếng Hán (chú).

6) Đặt trọng tâm vào thiền định, như một phương pháp tu tập chính yếu.

Ngoài ra, vì sự « toàn cầu hóa » càng ngày càng trở nên rõ rệt, cho nên Thiền viện Trúc Lâm phải có một thái độ mở rộng hơn, quốc tế hơn so với các năm về trước. Thiền viện sẽ mở rộng, tiếp đón một cách tích cực hơn người Pháp và nước ngoài, đến tìm hiểu và tu học Phật. Chẳng hạn như các sách vở, Nghi thức Tụng niệm, thông cáo đều sẽ có cả hai thứ tiếng Việt và Pháp, để mọi người đều có thể tham gia tích cực vào các sinh hoạt.

Để đánh dấu sự xác định đường lối của Thiền viện Trúc Lâm, một cuốn Nghi thức Tụng niệm mới, dựa lên bản Nghi thức gốc soạn bởi Thầy Thiện Châu năm 1970, sẽ được ấn hành trước hè năm 2018, và dùng trong mọi buổi nghi lễ, tụng niệm.

Tài liệu trích dẫn

(a) « Tam Bảo là chuẩn đích cho phát triển Phật Giáo Việt Nam », bài trình bày trong Hội thảo « Hướng phát triển Phật Giáo Việt Nam » (Ngày 8 tháng 9 năm 1996 tại Trúc Lâm Thiền Viện).

http://cusi.free.fr/pgtd/chp0050.htm

(b) « Kinh Sa môn Chơn chánh »

http://cusi.free.fr/gtk/gtk0055.htm

(c) « Trả lời thư của một Phật tử » - Báo Tin Phật, số 13, ngày 14-3-1970